Rối loạn đường huyết là tình trạng thường gặp ở người mắc bệnh tiểu đường. Việc nhận biết sớm và tìm ra cách khắc phục rối loạn rất quan trọng. Vậy nguyên nhân nào gây rối loạn đường huyết và làm thế nào để khắc phục? Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ đến bạn những thông tin hữu ích về vấn đề này.

Vì sao bị rối loạn đường huyết?

Có 2 nguyên nhân chính gây rối loạn đường huyết là hạ đường huyết và tăng đường huyết. Thông thường, hạ đường huyết là do lượng đường trong máu bị hạ xuống quá thấp và xuất hiện khi bạn đói do nhịn ăn hoặc ăn kiêng. Với người đang điều trị tiểu đường thì tình trạng này xuất hiện có thể do dùng insulin hoặc thuốc quá liều.

Tăng đường huyết xuất hiện khi bạn nạp vào cơ thể 1 lượng thức ăn có chỉ số đường huyết cao. Trong 1 vài trường hợp, rối loạn đường huyết còn có thể do cảm lạnh, nhiễm trùng hoặc do người bệnh ít vận động mà thành.

Rối loạn đường huyết nếu không được khắc phục nhanh chóng sẽ dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm thậm chí có thể hôn mê hoặc tử vong.

Cách điều trị rối loạn đường huyết

-    Hạ đường huyết

Với bệnh nhân mắc chứng hạ đường huyết thì bạn nên sử dụng ngay những thực phẩm có chứa chất bột đường. Trong tình huống này thì kẹo, socola hoặc nước đường là gợi ý không tồi. Bạn nên sử dụng sản phẩm cho đến khi chỉ số đường trong máu lên 70mg/dl.

Nếu thường xuyên bị hạ đường huyết thì bạn nên thăm khám thường xuyên để bác sĩ điều chỉnh lại lượng insulin hợp lý.

-    Tăng đường huyết

Người hay bị tăng đường huyết có thể kiểm soát chỉ số đường huyết của mình bằng cách giảm lượng bột đường nạp vào cơ thể mỗi ngày. Ngoài ra, nên tăng cường các loại rau xanh, tập thể dục và đảm bảo cơ thể luôn ở mức cân nặng hợp lý.

Giống với người hay bị hạ đường huyết, bạn nên thăm khám bác sĩ theo đúng lịch để kịp thời phát hiện những dấu hiệu lạ của cơ thể từ đó có phương án điều chỉnh hợp lý.

Phòng ngừa rối loạn đường huyết

Để phòng ngừa tình trạng rối loạn đường huyết, bạn cần chú ý:

-    Thường xuyên kiểm tra chỉ số đường huyết, duy trì con số này ở mức ổn định.
-    Tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, thăm khám định kỳ để phát hiện những biến đổi bất thường trong cơ thể từ đó điều chỉnh các loại thuốc cũng như chế độ ăn uống.
-    Bổ sung các thực phẩm lành mạnh vào thực đơn hàng ngày, giảm sử dụng đồ ngọt, các thực phẩm giàu chất béo động vật…
-    Uống nhiều nước và hạn chế sử dụng các đồ uống có cồn, caffeine…